Kết quả tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trong quý I năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • 07/04/2023
  • 832
  1. Thông tin về tham gia bảo hiểm thất nghiệp:

Số đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 3.886 đơn vị, tăng 0,44% so với quý IV/2022 (3.869 đơn vị) và so với cùng kỳ cũng tăng 10,21% (3.526 đơn vị).

Số người giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trên địa bàn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 84.099 người, giảm 0,13% so với quý IV/2022 (84.206 người) nhưng so với cùng kỳ tăng 7,06% (78.553 người).

  1. Thực hiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp:

Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Lâm Đồng sau khi đã tư vấn các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì có 103 người không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp để quay lại thị trường lao động; tư vấn việc làm – học nghề cho 1.465 người, giảm 15,95% so với cùng kỳ (1.743 người) và cũng giảm 12,54 so với quý IV/2022.

 Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) trong quý I/2023 là 1.362 người, giảm 20,35% so với cùng kỳ (1.710 người) và so với quý IV/2022 giảm 16,34%.  Trong đó:

  • Số người ở địa phương khác nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp 499 người, tăng gấp đôi so với cùng kỳ và tăng 16,86% so với quý IV/2022.
  • Số người nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị hưởng TCTN trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 1.274 người, đạt 93,54% trên tổng số hồ nộp hồ sơ đề nghị hưởng 1.362 người.

Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.078 người, so với cùng kỳ (1.714 người) và so với quý I/2022 đều giảm 37%. Giới thiệu việc làm cho 44 người, giảm 25,42% so với cùng kỳ, chiếm 4,08% trên tổng số người có quyết định hưởng TCTN và hỗ trợ học nghề cho 56 lao động tham gia học nghề, chiếm 4,11% trên tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và tăng 11 người so với quý IV/2022, tăng 27 người so với cùng kỳ.

         * Nguyên nhân thất nghiệp được chia thành các nhóm:

          Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc trước thời hạn chiếm 99,27%; hết hạn hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc chiếm 0,37%, người lao động bị xử lý kỷ luật, sa thải chiếm 0,07%; 0,27% còn lại là mất việc làm do nguyên nhân khác.

         * Ngành của người lao động thất nghiệp: Chủ yếu thất nghiệp tập trung vào các ngành may mặc, dệt, tợ lụa, nông nghiệp, vận tải, dịch vụ du lịch, kinh doanh…

         * Loại hình tổ chức, doanh nghiệp: Trên toàn tỉnh, loại hình tổ chức, doanh nghiệp có lao động thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất 89,87% là doanh ngiệp tư nhân (1.224 người); đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp nhà nước chiếm 9,54% (130 người); hợp tác xã chiếm 0.44%; doanh nghiệp nước ngoài (FDI) và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, hộ kinh doanh đều chiếm tỷ lệ 0.07%.

         * Lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng:

           Số người thất nghiệp được phân chia theo địa bàn, 12 đơn vị hành chính của tỉnh Lâm Đồng, cụ thể như sau: Thành phố Đà Lạt có 417 người chiếm 31%,; thành phố Bảo Lộc có 256 người chiếm 19%; huyện Đức Trọng có 190 người chiếm 14%; huyện Di Linh có 108 người chiếm 7,9%; huyện Bảo Lâm có 94 người chiếm 6,9%; huyện Đơn Dương có 89 người chiếm 6,5% huyện Lâm Hà có 71 người chiếm 5,2%;; huyện Đạ Tẻh có 53 người chiếm 3,9%; huyện Đạ Huoai có 27 người chiếm 2%; huyện Đam Rông có 24 người chiếm 1,8%; huyện Lạc Dương có 19 người chiếm 1,4%; huyện Cát Tiên có 14 người chiếm 1%.

* Trình độ, tuổi, giới tính và dân tộc thiểu số của người lao động thất nghiệp:

Lao động phổ thông rơi vào tình trạng thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao hơn với các đối tượng khác là 773 người, chiếm 56,75% trên tổng số người nộp hồ sơ; lao động thất nghiệp có trình độ Đại học và trên đại học 311 người, chiếm 22,83%; lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp chiếm tỷ lệ rất thấp 0.88%.

Lao động nữ thất nghiệp nhiều hơn lao động nam là 158 người, thất nghiệp tập trung ở trong độ tuổi lao động từ dưới 35 tuổi (chiếm 57,19%).

Lao động đồng bào dân tộc thiểu số 163 người, chiếm 11,89% trên tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 113 người nữ đồng bào thất nghiệp./.

 (Số liệu trích nguồn từ Phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Trung tâm DVVL Lâm Đồng)