THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG VIỆC LÀM, HƯỚNG NGHIỆP VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

  • 07/08/2019
  • 6722

Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là tiền đề quan trọng để sử dụng có hiệu quả nguồn lao động hiện này.

THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG VIỆC LÀM, HƯỚNG NGHIỆP VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

      Giải quyết việc làm là một trong những chính sách quan trọng của mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Thiếu việc làm, không có việc làm hoặc việc làm với năng suất và thu nhập thấp sẽ không thể giúp người dân bảo đảm cuộc sống và phát triển bền vững. Đối với lao động nông thôn, việc làm liên quan đến yếu tố đất đai, tư liệu lao động, công cụ lao động, kỹ năng nghề và vốn sản xuất. Các yếu tố trên kết hợp thành một chỉnh thể tác động mạnh đến đời sống của lao động nông thôn. Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là tiền đề quan trọng để sử dụng có hiệu quả nguồn lao động này. 

        Những năm qua, công tác giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động nông thôn đã được tỉnh Lâm Đồng rất quan tâm. Để thực hiện chương trình giải quyết việc làm trong tiêu chí xây dựng chương trình nông thôn mới, trong những năm gần đây để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, nhà nước về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, ngoài việc Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành đã ban hành Luật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách giải quyết việc làm cho người lao động. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lâm Đồng đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ Chương trình việc làm như: Quyết định số 16/2010/QĐ – UBND ngày 12/5/2010 quy định cho vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Quyết định số 38/2011/QĐ-UBND ngày 26/7/2011 Về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ XKLĐ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Quyết định số 33/2016/QĐ-UBND ngày 9/6/2016 về việc ban hành Quy định cho người lao động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 04/01/2018 ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng…

          Từ năm 2010 đến nay, sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác giải quyết việc làm. Nội dung văn bản chủ yếu tập trung trong công tác chỉ đạo điều hành; Kế hoạch triển khai công tác việc làm - XKLĐ hàng năm; Quyết định phân bổ kinh phí tuyên truyền xuất khẩu lao động cho các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, Trung tâm dịch vụ việc làm; văn bản phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh xây dựng Kế hoạch vay vốn hàng từ nguồn quỹ Quốc gia và giải quyết việc làm…vv.

          Để tăng cường công tác giải quyết việc làm. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các UBND huyện, thành phố, đơn vị truyền thông, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền XKLĐ; phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động tại các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…; triển khai tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về việc làm, phổ biến các văn bản pháp luật mới về việc làm cho cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện, xã.

         Tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Lâm Đồng, căn cứ vào chỉ tiêu được giao, kế hoạch hàng năm, Trung tâm đã chủ động trong công tác tuyên truyền thông tin thị trường lao động rộng khắp, chú trọng đến việc chuyển thông tin qua hệ thống phòng lao động TB&XH các huyện, thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc đến các UBND các phường xã, mạng lưới cộng tác viên để người lao động đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng xâu vùng xa có thể tiếp cận được thông tin việc làm. Ngoài việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ ở 2 văn phòng của Trung tâm tại 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, Trung tâm còn chú trọng việc phối hợp với các ban nghành đoàn thể ở các địa phương, tổ chức các Phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm chuyên đề tại các huyện để người lao động thuận tiện đi lại, tìm được việc làm phù hợp ngay chính tại địa phương của mình. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp để tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động tại các xã, cụm xã, tại hộ gia đình có người lao động trong độ tuổi lao động, tổ chức các lớp ngoại ngữ, nghề để tạo nguồn xuất khẩu lao động, thông qua việc tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tiếp cận nguồn lao động đặc biệt là lao động nông thôn để tư vấn việc làm, học nghề và giới thiệu việc làm cho họ.   

        Từ những kết quả triển khai và thực hiện chương trình, giải pháp về việc làm. Trong giai đoạn 2010 – 2018, hàng năm Tỉnh Lâm Đồng đã giải quyết việc làm cho hơn 28.000 lượt lao động, trong đó giải quyết việc làm cho lao động nông thôn  đạt khoảng 58% trên tổng số lao động được giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động  nông thôn. Trung bình mỗi năm có hơn 600 lao động được xuất cảnh đi làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Trung Đông…vv. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, trung bình hằng năm đã tư vấn cho hơn 14.000 lượt lao động về các chính sách lao động việc làm, khởi nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm cho khoảng 5000 lượt lao động, đưa hơn 100 lao động xuất cảnh sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đà Loan…Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp tổ chức tổ chức trung bình 40 phiên giao dịch việc làm tại địa phương hằng năm, trung bình mỗi phiên có khoảng 500 vị trí việc làm trống, từ 1 đến 15 doanh nghiệp tham gia phỏng vấn trực tiếp thu hút hàng ngàn lượt lao động đến tìm hiểu thông tin; trong đó số lao động nông thôn chiếm 80%.

         Bên cạnh một số kết quả đạt được, vấn đề lao động và việc làm của lao động nông thôn của tỉnh Lâm Đồng một số nơi vẫn trong tình trạng thiếu ổn định, việc làm ở nông thôn mang tính chất thời vụ cao, sản xuất nông nghiệp luôn chịu tác động và chi phối mạnh mẽ bởi các quy luật sinh học và điều kiện tự nhiên (khí hậu, đất đai..). Lao động nông thôn mang tính phổ thông, sản xuất phụ thuộc vào kinh nghiệm và sức khỏe, có việc làm nhưng thu nhập không ổn định, một bộ phận lớn thanh niên nông thôn không có khả năng tìm kiếm việc làm mới, không chuyển đổi được nghề. Một số người lao động chưa thật sự nhận thức sâu sắc trong công tác học nghề - giải quyết việc làm, chưa xác định rõ ràng mục đích khi tham gia XKLĐ, tác phong làm việc, trình độ đáp ứng của người lao động còn hạn chế... nên tỷ lệ bỏ giữa chừng vẫn còn cao. Công tác thu thập thông tin thị trường lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, các trường, cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, do nguồn kinh phí còn thấp, lực lượng tham gia còn thiếu nên hạn chế trong công tác phân tích dự báo thị trường lao động. Việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động tại các UBND xã, phường chưa đạt hiệu quả do cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đồng bộ.

        Từ những kết quả đạt được, những thuận lợi và khó khăn trên, trong thời gian tới, công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được sở Lao động TB&XH Lâm Đồng, Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp tục triển khai với những giải pháp sau:

       Sở Lao động TB&XH Lâm Đồng: kiểm tra giám sát việc thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương và thu nhập nhằm khuyến khích và phát huy cao nhất năng lực của người lao động. Bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, cải thiện môi trường và điều kiện lao động. Đẩy mạnh dạy nghề và tạo việc làm. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp đăng ký hoạt động XKLĐ; Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Lâm Đồng, tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, giám sát chương trình vay vốn giải quyết việc làm; phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ và các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông tạo nguồn cho XKLĐ tại các thị trường có thu nhập cao. Khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Chú ý đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ cho người lao động nông thôn giúp họ chuẩn bị điều kiện chuyển nghề sang lĩnh vực phi nông nghiệp như: công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn, bán hàng...

        Trung tâm Dịch vụ việc làm: triển khai thu thập thông tin thị trường lao động tiến đến thực hiện công tác dự báo cung cầu lao động dài hạn; nâng cao chất lượng công tác tư vấn giới thiệu việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động thông qua đào tạo tiếng, đào tạo kiến thức cần thiết về nước sở tại cho người lao động nắm bắt trước khi tham gia phỏng vấn tuyển dụng các thị trướng XKLĐ có thu nhập cao. Tăng cường tổ chức các Phiên dịch việc làm để giải quyết việc làm cho người lao động; đặc biệt phối hợp với các phòng Lao động TB&XH, các ban nghành đoàn thể ở địa phương tổ chức các Phiên giao dịch việc làm tại địa phương để người lao động nông thôn dễ tiếp cận. Tăng cường phối hợp với các ban nghành địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở đào tạo tổ chức định hướng nghề nghiệp và việc làm theo nhiều hình thức cho thanh niên nông thôn, trong đó chú trọng những thông tin về thị trường lao động, cung cấp cho họ những số liệu tin cậy về lao động, việc làm giúp họ có điều kiện tiếp xúc với thông tin và những cơ hội tìm kiếm việc làm một cách đầy đủ và chính xác.

       Những giải pháp trên đã, đang và sẽ được triển khai tiến hành đồng bộ sẽ tiếp tục mang đến những hiệu quả tích cực trong công tác giải quyết việc làm cho lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

 

Nguyễn Thị Lan Hương – TP Tư vấn Giới thiệu việc làm