Công tác phối hợp giữa ba ngành Lao động Thương binh & Xã hội, Bảo hiểm xã hội và Liên đoàn lao động tỉnh Lâm Đồng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

  • 25/07/2019
  • 12447

 BHTN  phụ thuộc rất nhiều vào sự tự giác chấp hành những quy định của người lao động và người sử dụng lao động

Công tác phối hợp giữa ba ngành Lao động Thương binh & Xã hội, Bảo hiểm xã hội và Liên đoàn lao động tỉnh Lâm Đồng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

 

         Luật Việc làm được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 16 tháng 11 năm 2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Trong Luật Việc làm có nêu: “Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp” (Mục 4, Điều 3, Chương I). Qua 10 năm thực hiện, chính sách BHTN đã đi vào cuộc sống, tác động trực tiếp đến các đối tượng thụ hưởng góp phần ổn định thị trường lao động, giúp người lao động vượt qua những khó khăn khi bị mất việc làm.

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi phía Nam Tây nguyên với diện tích tự nhiên gần 10.000km2; có 12 đơn vị hành chính (02 thành phố và 10 huyện); khoảng cách từ trung tâm hành chính của tỉnh đến trung tâm huyện xa nhất là hơn 180 km. Lâm Đồng nằm trong vùng kinh tế động lực phía Nam và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên đa dạng đã tạo nên ưu thế nổi trội thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh. Theo số liệu thống kê năm 2018, tỉnh Lâm Đồng có 3.493 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với 73.647 người lao động tham gia BHTN.

        Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, tài nguyên thiên nhiên đã giúp Lâm Đồng khẳng định vị thế của mình trong việc phát triển các thành phần kinh tế mũi nhọn như: du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao … Để thu hút được nhiều doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Lâm đồng cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Một trong những chính sách hỗ trợ đó là tạo lập một môi trường kinh doanh hài hòa, đảm bảo quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

          Để cụ thể hóa chính sách, đảm bảo một quan hệ hài hòa, phù hợp theo quy định góp phần hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong thị trường lao động, Sở Lao động – TBXH, Liên đoàn lao động và Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng hằng năm ký kết một chương trình liên tịch nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật có liên quan, trong đó đặc biệt là chính sách BHTN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách nhằm giải quyết có hiệu quả những những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

       Trong những năm qua, việc kiểm tra, giám sát, đánh giá chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động, người lao động luôn nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của UBND tỉnh và các cấp Ủy, chính quyền địa phương. Hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Liên đoàn lao động và Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động, người lao động tại địa phương với những nội dung trọng tâm như: chương trình liên tịch phối hợp giữa ba bên Sở lao động - Thương binh và Xã hội với Liên đoàn lao động tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh; quy trình phối hợp giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội tỉnh trong công tác giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

        Tóm lại, để chính sách BHTN đi vào cuộc sống, góp phần ổn định thị trường lao động thì không chỉ riêng các ngành có liên quan tham gia tuyên truyền, tổ chức thực hiện mà phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó đặc biệt là vai trò của người sử dụng lao động và người lao động. Chính sách BHTN có phát huy hết vai của mình trong thị trường lao động hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự tự giác chấp hành những quy định của người lao động và người sử dụng lao động./.

Ngô Trần Quốc Khánh - Phó Giám đốc