Nguồn nhân lực cao cho xuất khẩu lao động: Cần sớm có sự chuyên nghiệp

  • 15/05/2018
  • 8708

Thị trường xuất khẩu lao động tại Lâm Đồng đang dần “ấm” trở lại, khi trở thành một địa chỉ tiềm năng cho rất nhiều các công ty, doanh nghiệp tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... tìm đến tuyển dụng nhiều hơn.

Thị trường xuất khẩu lao động tại Lâm Đồng đang dần “ấm” trở lại, khi trở thành một địa chỉ tiềm năng cho rất nhiều các công ty, doanh nghiệp tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... tìm đến tuyển dụng nhiều hơn. Nhưng để trở thành một địa chỉ đáng tin cậy, nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc xuất khẩu lao động thì chính người lao động và các cơ quan hữu quan còn cần rất nhiều việc phải làm. Những giải pháp quyết liệt và đồng bộ hay nói đúng hơn là sự chuyên nghiệp căn bản mới có thể giúp cho vấn đề này được giải quyết một cách thấu đáo.

 

 
Chất lượng đào tạo luôn là mối quan tâm của các nhà tuyển dụng lao động ở Lâm Đồng. Ảnh: Minh Đạo
Chất lượng đào tạo luôn là mối quan tâm của các nhà tuyển dụng lao động ở Lâm Đồng. Ảnh: Minh Đạo
Tính riêng trong năm 2017, tổng số lao động đã xuất cảnh trên toàn tỉnh là 604 người, đạt trên 100% kế hoạch so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, chủ yếu tập trung vào thị trường Nhật Bản (chiếm 65%); Đài Loan, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông chiếm phần lớn còn lại và một phần rất nhỏ nằm ở các hợp đồng lao động cá nhân, Malaysia và các thị trường khác.
 
Số lao động được đi XKLĐ tại Lâm Đồng ngày càng tăng cho thấy khả năng đáp ứng, thích nghi ngày càng cao của lao động Lâm Đồng đối với yêu cầu của các thị trường khó tính, đa dạng và có tính cạnh tranh cao. 
 
Hơn 600 người trong năm 2017 có thể được xem là một thành công của XKLĐ Lâm Đồng, nhưng nếu so với lực lượng lao động thất nghiệp hoặc không có công ăn việc làm ổn định và tiềm năng của tỉnh thì đây vẫn là con số rất khiêm tốn. 
 
Sự “khiêm tốn” ấy được nhìn nhận và đánh giá theo một cách khách quan nhất, đó chính là chất lượng lao động còn yếu và sự thiếu chuyên nghiệp trong những môi trường lao động cạnh tranh đòi hỏi ý thức cao.
 
Trao đổi về chất lượng lao động của Lâm Đồng, ông Bùi Quang Sơn - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: “Dù đã có nhiều giải pháp tập trung cho vấn đề này, nhưng nhìn chung trình độ của người lao động khi tham gia xuất khẩu vẫn chưa cao, chủ yếu vẫn là lao động phổ thông. Trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng của các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Mặt khác nhận thức của người dân về xuất khẩu lao động còn chưa đầy đủ, tâm lý kén chọn việc làm, thu nhập của người lao động còn rất nặng nề. Đa số lao động của Lâm Đồng xuất thân từ nông nghiệp, do vậy chưa có sự chuyển đổi tác phong lao động nông nghiệp sang công nghiệp, chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng làm việc; đồng thời, người lao động xuất thân từ nông thôn vẫn còn nặng phong tục làng xã nên còn e ngại trong việc đi làm xa”.
 
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, theo tìm hiểu của chúng tôi, vẫn còn rất nhiều những trở ngại để XKLĐ Lâm Đồng có thể đạt được thành công như kỳ vọng.
 
Vẫn còn nhiều doanh nghiệp tổ chức người đi XKLĐ nhưng chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, dẫn tới người lao động phải qua nhiều đầu mối trung gian, chịu nhiều chi phí, vượt quá quy định của nhà nước khi đi xuất khẩu lao động. 
 
Công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý và nắm được thông tin, số lượng lao động xuất khẩu trong kỳ.
 
Ông Võ Ngọc Hải - Phó phòng Việc làm - An toàn Lao động của Sở LĐTB&XH Lâm Đồng cho biết: “Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp chưa có sự phối hợp để mở cơ sở tiếp nhận và đào tạo tại địa phương sau khi trúng tuyển để giảm chi phí cho người lao động. Điều này đã dẫn tới rào cản về mặt tâm lý, tạo ra sự e ngại bởi chi phí phát sinh cho các gia đình có người muốn con em đi XKLĐ. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng chưa có sự gắn kết thực sự với địa phương, với ngành trong công tác tuyển dụng. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ gửi đơn đặt hàng, ít trực tiếp xuống cơ sở, nguồn lao động chủ yếu do các đơn vị trực thuộc sở và các phòng LĐ-TB&XH cung cấp.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn giới thiệu việc làm tỉnh Lâm Đồng còn nằm ở rào cản về tín dụng cho người lao động, điều này cũng sẽ dẫn tới nhiều khó khăn cho XKLĐ tại Lâm Đồng trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn: “Trước đây, UBND tỉnh đã có những quyết định hỗ trợ rất nhiều cho người lao động được vay vốn đi làm việc tại nước ngoài và rất nhiều người dân qua XKLĐ cũng đã xóa được nghèo đói, có một số vốn nhất định để vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh”.
 
Theo đó, áp dụng quyết định này, người lao động không thuộc đối tượng chính sách sẽ không được vay vốn. Tuy nhiên, trên thực tế số lao động này chiếm tới 70% số lao động đăng ký XKLĐ, dù không phải là hộ nghèo nhưng phần lớn năng lực tài chính của các hộ này vẫn không đủ đảm bảo để tham gia các thị trường cao cấp. Rất nhiều lao động sau khi trúng tuyển vẫn không có tiền để đóng các khoản chi phí và đành bỏ lỡ cơ hội xuất cảnh.
 
Khoảng vài năm trở lại đây, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu như CHLB Đức hoặc các quốc gia có tỷ lệ dân số già... thường tuyển chọn lao động tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên bởi sự cần cù và chịu khó trong lao động (lao động ở các vùng khác, đặc biệt là một số tỉnh phía Bắc, lao động thường hay bỏ trốn để ra ngoài làm vì thu nhập cao hơn). Lâm Đồng cũng là một sự lựa chọn được đánh giá cao trong những năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ thương mại.
 
Để Lâm Đồng từ một địa chỉ tiềm năng đến một thương hiệu uy tín được thị trường cao cấp tìm đến, không khác gì hơn chúng ta cần phải sớm có chiến lược cụ thể, với những giải pháp quyết liệt và sự chuyên nghiệp cao nhất từ khâu tuyên truyền, đào tạo cho đến tuyển dụng.
 
Sự chuyên nghiệp ấy, cần phải được bắt đầu từ yếu tố nhu cầu cụ thể của từng địa phương, từng vùng, từng lao động cụ thể. Nâng cao chất lượng lao động từ việc tuân thủ các khâu tuyển chọn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp dịch vụ với chính quyền địa phương để tuyển chọn được lao động có ý thức tốt và thực sự có nhu cầu. Chú trọng và tăng cường công tác đào tạo tiếng, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh cho người lao động trước khi được tham gia phỏng vấn.
 
Thêm một vấn đề quan trọng nữa, đó chính là yếu tố tâm lý “thất nghiệp sau khi hồi hương” đã khiến rất nhiều lao động sau khi hết thời gian hợp đồng đã bỏ trốn ở lại, cư trú bất hợp pháp. Chính quyền và các ngành hữu quan cần phải có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích người lao động có cơ hội tiếp tục tham gia XKLĐ, hoặc liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn và các vùng lân cận để họ có cơ hội tham gia lao động theo đúng với ngành nghề họ đã làm tại các nước.
 
Giải quyết được tất cả các trở ngại và khúc mắc trên, XKLĐ tại Lâm Đồng mới thực sự đúng nghĩa trở thành “cứu cánh” cho việc xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định thu nhập cho những người có công việc bấp bênh tại nhiều địa phương của Lâm Đồng.
 
LINH ĐAN