Yếu tố quyết định chất lượng giáo dục

  • 03/07/2017
  • 11379

GD&TĐ - Đổi mới giáo dục đang đòi hỏi không ngừng sự vươn lên của đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục. Để thích nghi và nâng chất chính mình không cách nào khác là ý thức tự bồi dưỡng của những người thầy trên mọi cương vị dù quản lý hay giảng dạy.

Nâng cấp thường xuyên kiến thức

Các nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục đã chỉ ra: với đặc thù lao động sư phạm đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo không ngừng của giáo viên thì năng lực tự học của giáo viên là điều kiện tiên quyết bảo đảm chất lượng dạy và học.

Không những thế, một môi trường nhà trường giàu tinh thần tự học của giáo viên sẽ mang lại ý nghĩa lớn. Môi trường ấy có khả năng tạo nên những xung động, có sức lan tỏa và cộng hưởng mạnh mẽ đến việc học tập của học sinh, đến sự phát triển của cộng đồng sư phạm và sự phát triển của nhà trường, xã hội.

Thúc đẩy tinh thần, kỹ năng học tập trong nhà trường không chỉ cần với học sinh hay giáo viên mà phải trở thành mục tiêu chiến lược trong đổi mới giáo dục. Các nhà trường phải lấy đổi mới sáng tạo và tự nghiên cứu của giáo viên học sinh như những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục một cách sâu sắc và toàn diện.

Thầy Mạc Đăng Nghị - Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi - Hải Dương khi được hỏi xung quanh vấn đề tự nâng chất cho nghề nghiệp đã chia sẻ: Tôi không đặt ra một ngày mình phải tự học, tìm hiểu kiến thức để bồi dưỡng thêm cho mình bao nhiêu giờ đồng hồ. Tôi chỉ biết mình học bất cứ khi nào có thời gian rảnh và học qua nhiều kênh.

Việc tự học, đọc tài liệu, học hỏi kinh nghiệm, phương pháp qua sách nghiên cứu, các nguồn tài liệu trên mạng trong và ngoài nước thì tôi còn học ngay của đồng nghiệp để bổ sung kiến thức cho mình khi đứng trên bục giảng. Nghề giáo nói chung, và một thầy giáo trường chuyên như tôi nói riêng nếu không có sự say mê, hứng thú với nghiên cứu khoa học, không có sự trải nghiệm với tri thức thì không thể đáp ứng tốt vai trò.

GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, - người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và tham gia vào quá trình quản lý nhà trường cho rằng: Một giáo viên để không bị tụt hậu và phát triển thì tất yếu phải tự học, tự bồi dưỡng kiến thức và nâng cấp bản thân mình thường xuyên, liên tục. Chỉ có sự chăm chỉ đào luyện kiến thức từ những người thầy mới có thể đào tạo nên những lứa học trò giỏi và truyền “lửa” cho các em niềm đam mê học tập.

Tuy vấn đề tự nâng cấp, tự nghiên cứu học tập nâng cao kiến thức là sát sườn với mỗi người thầy song rất cần sự quan tâm, thúc đẩy, tạo điều kiện từ các nhà trường. Mặt khác, ý thức nhận thức đúng đắn của mỗi giáo viên xung quanh vấn đề tự học tự nâng cấp tri thức cho bản thân đóng vai trò tiên quyết. Người giáo viên phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và tất yếu phải thực hiện việc tự bồi dưỡng cho bản thân một cách chủ động để mang lại hiệu quả.

Họ cũng cần hiểu rằng, với những tri thức khoa học và phương pháp sư phạm được đào tạo trên ghế nhà trường thì không thể thỏa mãn và đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới thường xuyên trong giáo dục. Hơn thế, những yêu cầu của xã hội đặt ra cho giáo dục và đào tạo ngày càng lớn thì người giáo viên không thể chỉ đào tạo một lần đã thỏa mãn mà phải thường xuyên nâng cao, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong suốt quá trình công tác giảng dạy.

Bằng lòng đồng nghĩa tụt hậu

Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã tổ chức cách học tập và phát triển năng lực cho giáo viên tại trường học theo mô hình tự nghiên cứu và thấy được tính hiệu quả, bền vững của vấn đề tự học. Tại Việt Nam, có nhiều sự thay đổi về nội dung chương trình cũng như các thế hệ học sinh đang có sự thay đổi nhanh chóng về nhận thức, tư duy không ngừng về tiếp nhận kiến thức. Điều đó đòi hỏi hơn bao giờ hết những người thầy nâng cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng thêm kiến thức và phương pháp giảng dạy. Nếu người thầy bằng lòng với kiến thức, tự tin với khả năng, thâm niên của bản thân mà bỏ qua tự học, trau dồi tích lũy kiến thức chắc chắn sẽ trở nên tụt hậu từng giờ, từng ngày. Và kết quả cuối cùng là không đáp ứng được yêu cầu của giáo dục hiện đại.

Tuy nhiên trên thực tế cho thấy bên cạnh một số giáo viên giác ngộ được vấn đề tự học để nâng cấp bản thân phục vụ cho đòi hỏi giảng dạy thì một bộ phận không nhỏ giáo viên lại tự hài lòng với khả năng kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn của mình nên lơi lỏng và bỏ ngỏ việc tự học, tự bồi dưỡng kiến thức bản thân. Vì vậy họ đang rơi vào tình trạng tụt hậu nghiêm trọng cả kiến thức lẫn kĩ năng chuyên môn nghề nghiệp. Họ đã và đang đáp ứng một cách bị động, thiếu chất lượng trước mỗi giờ trên lớp.

Mặt khác, nhiều giáo viên vịn cớ đời sống giáo viên còn vất vả, chưa sống được bằng tiền lương nên thời gian rảnh phải bươn chải làm thêm nghề khác nhau để tăng thêm thu nhập. Còn với một số giáo viên có điều kiện về kinh tế nhưng bản thân thiếu tâm huyết, ngại đổi mới nâng cấp tri thức nên cũng không mặn mà, quan tâm tới việc bồi dưỡng kiến thức cho bản thân. Và lâu dần hình thành sức ỳ, sự bằng lòng khó thay đổi.

Trong công cuộc tự học, tự nghiên cứu của giáo viên hiện và đặc biệt với giáo viên vùng khó, vùng sâu xa thì sự khó khăn về sách vở, tài liệu, công nghệ thông tin cũng là yếu tố gây trở ngại không nhỏ. Nhiều giáo viên cho rằng, để tìm được cuốn sách nghiên cứu theo mong muốn thì thư viện nhà trường chưa có điều kiện đáp ứng.

Lên hệ thống thư viện điện tử - nơi có thể giúp giáo viên tải tài liệu, sách trên mạng về để đọc và tìm hiểu cũng không được cập nhật. Tìm kiến thức qua những sách nước ngoài thông qua mạng Internet thì giáo viên lại chưa đáp ứng được trình độ ngoại ngữ để có thể đọc và hiểu. Sự học hỏi chuyên môn giữa đồng nghiệp trong các nhà trường và ở phạm vi lớn hơn là ngoài trường, ngoài tỉnh, thành phố còn nhiều bất cập, hạn chế.

 

Giáo dục đang hướng tới phát triển toàn diện cho học sinh, giúp học sinh tự khám phá và chiếm lĩnh tri thức. Vì vậy, mỗi người thầy không chỉ đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn quá trình sư phạm mà bản thân phải trở thành tấm gương tự học, thành thạo trong các kỹ năng tự học. Người thầy chủ động trong việc nâng chất, bồi dưỡng cho bản thân nghề nghiệp bao nhiêu thì càng dễ dàng làm chủ được tri thức, nâng cao chuyên môn và đáp ứng tốt nhất việc nâng cao chất lượng giáo dục bấy nhiêu.

 

Hoàng Thị Chi