"Nhận dạng" CV kém chuyên nghiệp

  • 03/06/2014
  • 6760
Bạn sẽ trở nên thiếu chuyên nghiệp và kém hấp dẫn hơn với nhà tuyển dụng nếu trong CV của bạn có một hay nhiều yếu tố dưới đây:

 

Liệt kê những công việc ngắn hạn

Bạn không nên ghi vào CV những công việc bạn chỉ làm một vài tuần. Nhà tuyển dụng xem những công việc ngắn hạn như một dấu hiệu của sự thiếu trung thành hoặc vấn đề về khả năng thích nghi. Nếu có nhiều công việc ngắn hạn hơn dài hạn, bạn có thể sắp xếp chúng vào một phần riêng và liệt kê ngắn gọn nhiệm vụ và những gì bạn học được từ chúng.

Nêu kinh nghiệm làm việc không liên quan

Nếu bạn đang cố gắng ứng tuyển vào vị trí nhân viên hành chính trong khi kinh nghiệm từng có của bạn là nhân viên phục vụ, tốt nhất bạn không nên liệt kê nó vào CV.

Tuy nhiên, nếu công việc đó là một trong số kinh nghiệm ít ỏi hoặc duy nhất của bạn, hãy tìm cách kết nối chúng với vị trí bạn muốn. Chẳng hạn, với công việc phục vụ, bạn phải thực hiện nhiệm vụ nào tương tự như với công việc hành chính. Hoặc những gì bạn học được từ công việc phục vụ sẽ giúp bạn hoàn thành tốt công việc hành chính… Hãy tìm cách chứng tỏ bạn có thể làm được việc dù không có kinh nghiệm liên quan.

Nêu tất cả nhiệm vụ của từng công việc

Bạn nên tập trung vào điều khái quát và chỉ liệt kê những nhiệm vụ liên quan tới công việc hiện bạn đang ứng tuyển. CV không phải là bản copy tất cả nhiệm vụ, kể cả những việc lặt vặt bạn từng làm. Nó chỉ là bản tóm tắt những gì tốt nhất bạn đã từng làm và đặt trong mối tương quan với những gì bạn sẽ làm ở công ty mới.

Nêu tên người tham khảo

Danh sách người tham khảo sẽ giúp nhà tuyển dụng có thể kiểm chứng và tin tưởng hơn vào khả năng của bạn. Nhưng bạn nên cung cấp khi nhà tuyển dụng hỏi đến thay vì ghi vào CV, vì họ có thể liên lạc với người tham khảo hiện là sếp của bạn và công ty hiện tại sẽ biết bạn đang tìm việc khác. Như vậy, danh tiếng nghề nghiệp của bạn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Liệt kê sở thích thiếu chọn lọc

Liệt kê sở thích cá nhân trong CV sẽ cho nhà tuyển dụng cái nhìn khái quát về tính cách, con người của bạn. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng những sở thích đó phải liên quan tới công việc bạn đang ứng tuyển. Chẳng hạn, thay vì ghi sở thích là “đọc sách” chung chung, bạn nên ghi rõ là “đọc sách về marketing, quản trị, PR” nếu bạn đang ứng tuyển cho vị trí nhân viên marketing.

Nêu lý do nghỉ việc

Một số nhà tuyển dụng có CV chung và yêu cầu ứng viên liệt kê những công việc từng làm và lý do nghỉ việc đó. Song bạn không nhất thiết phải nêu cụ thể và không chủ động nói ra trước khi chưa được hỏi. Những yếu tố ghi trong CV phải ngắn gọn và thể hiện những điều tốt nhất về bạn. Sẽ tốt hơn nếu bạn giải thích trực tiếp lý do với nhà tuyển dụng trong cuộc phỏng vấn.

Theo: Usnews