Thương hiệu nhà tuyển dụng: “Nam châm” hút nhân tài

  • 10/06/2014
  • 8017
(DĐDN) - Ngày nay được làm việc với những công ty lớn luôn là niềm tự hào của nhiều người. Yếu tố nào đã tạo nên sức hấp dẫn của các nhà tuyển dụng hàng đầu như thế? Câu trả lời nằm ở thương hiệu tuyển dụng nhân sự - nam châm thu hút nhân tài về “đầu quân”.

Dưới đây là chia sẻ của bà Nguyễn Tâm Trang; ông Trương Quốc Anh Vũ; ông Vũ Minh Trí; ông Lê Hồng Phúc; bà Bùi Thị Thanh Thúy.

- Để phát triển thương hiệu nhà tuyển dụng (THNTD) ?

 


Nguyễn Tâm Trang - Phó chủ tịch nhân sự Unilever VN
Bà Nguyễn Tâm Trang: THNTD là cảm nhận của các nhân tài về 1 DN nào đó. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, chuyện thu hút và giữ chân nhân tài rất quan trọng. Đây không phải là nỗ lực của riêng phòng nhân sự mà là nỗ lực của toàn bộ ban lãnh đạo của DN…

Ông Vũ Minh Trí: Việc đầu tiên để xây dựng thương hiệu không phải là truyền bá ra bên ngoài mà phải làm nội bộ trước. Đối với Microsoft, chúng tôi có chương trình “tiếng nói của nhân viên trong Microsoft” được tổ chức hàng năm, chúng tôi tập trung rất chi tiết vào việc tất cả các nhân viên đều được viết phản hồi về lãnh đạo, về văn hóa Cty…

Ở Microsoft, có một chức danh hầu như không DN nào có là “người truyền đạo”. Người đó phải truyền được cho mỗi nhân viên làm việc tại Microsoft sự đam mê và học hỏi. Đó chính là nhiệm vụ của những “Người truyền đạo”.

Ông Lê Hồng Phúc: Một Cty luôn mong muốn tìm cho mình sự khác biệt. Và một trong những giá trị, khác biệt của Samsung là sự thay đổi. Một câu nói về sự thay đổi mà tất cả nhân viên của Samsung đều biết, đó là câu nói của chủ tịch Cty: “Chúng ta phải thay đổi tất cả mọi thứ, trừ vợ con”.

 

 


Ông Vũ Minh Trí - TGĐ Microsoft VN
Bà Bùi Thị Thanh Thúy: Điểm hấp dẫn nhất được thấy rất rõ của Cty Prudential chính là tính năng động và tính sáng tạo, cũng như 5 giá trị của Prudential cho thấy sự khác biệt so với các Cty khác đó chính là sự “lắng nghe và thấu hiểu”.

Yếu tố thứ 2 và cũng là điểm khác biệt rất lớn, ở Prudential chúng tôi có một trung tâm đào tạo để đào tạo các cán bộ cấp trung, cao cấp. Những người này lại huấn luyện cho các nhân viên trong Cty.

Ông Trương Quốc Anh Vũ : Đầu tiên tôi chia sẻ hai điểm đặc biệt về HSBC: về phát triển nghề nghiệp và cơ hội nghề nghiệp. HSBC có đặc thù đó là tổ chức tài chính toàn cầu. Riêng trong mỗi ngân  hàng cũng đã có ngân hàng bán lẻ, ngân hàng bán buôn, kinh doanh ngoại hối, và những ngân hàng đa quốc gia... có thể tạo ra nhiều cơ hội công việc. Nhân viên luôn thấy mình có cơ hội được phát triển và có được nhiều kinh nghiệm làm việc.  


- Dung hòa thị trường và lợi ích DN ?

 


Ông Lê Hồng Phúc - GĐ nhân sự Samsung VN
Bà Nguyễn Tâm Trang: Trước hết, mình phải xem lại những nhu cầu với những nhóm đối tượng khác nhau. Thứ hai, là những điều mình thực sự mạnh và mình đã đeo đuổi trong 1 thời gian lâu dài. Chỉ những điều có thể trở thành giá trị của Cty mới cần thời gian lâu dài. 

Điểm khác biệt của Unilever là xây dựng mỗi nhân viên thành một vị đại sứ của THNTD ở trên thị trường. 

Ông Lê Hồng Phúc: Đúng là có rất nhiều nhân viên mới bỡ ngỡ với giá trị "thay đổi" của Samsung. Vì vậy, điều chúng tôi làm là cho nhân viên hiểu được lý do đằng sau giá trị đó. Có nhiều DN, nêu ra cho mình quá nhiều giá trị nhưng đôi lúc ngay chính ban lãnh đạo DN đó lại không đi theo những giá trị đã đưa ra. Điều đó ảnh hưởng tới lòng tin của nhân viên.

Ông Vũ Minh Trí: Đội ngũ lãnh đạo tốt sẽ khiến việc kinh doanh tốt. Kinh doanh tốt sẽ đưa đến lương, thưởng, phúc lợi tốt. Lương thưởng tốt sẽ dẫn tới văn hóa tốt. Tất cả những điều đó đều liên kết với nhau. Chúng tôi gom hết tất cả những ý nghĩa đó thành một câu duy nhất: “Microsoft, tất cả chúng ta ở đây tới làm việc hàng ngày là để truyền đạt lại cho thế hệ mới, thế hệ sau -  “save the future”.


Bùi Thị Thanh Thúy - Phó tổng giám đốc nhân sự Prudential VN
Ông Trương Quốc Anh Vũ: Một trong những yếu tố chính khi nhân viên cam kết lâu dài với HSBC là Cty muốn tập trung nhiều vào những cơ hội phát triển và đào tạo. Điều cuối cùng là chúng ta không thể bỏ qua được các yếu tố về môi trường làm việc hay sự vui vẻ. Đối với Ngân hàng thì hơi nghiêm túc và trang trọng, nhưng ai cũng đều thích vui vẻ và xây dựng một môi trường làm việc tạo sự hứng khởi cao.

- Cơ hội không chỉ dành cho các DN lớn

Bà Nguyễn Tâm Trang: Đúng là Cty lớn thì sẽ có lợi thế về mặt truyền thông nhưng tôi nghĩ điều đó cũng không hẳn. Ở Cty lớn có nhiều nhân viên nên khả năng quan tâm tới từng nhân viên có hạn, nhưng ở Cty nhỏ lại có khả năng đó, có những cách thức khác nhau áp dụng cho từng nhân viên theo nhu cầu của nhân viên. Điều quan trọng nhất là tâm huyết của ban lãnh đạo về việc tạo môi trường tốt nhất cho nhân viên vì mục đích cuối cùng của mình là thu hút và giữ chân nhân tài để Cty đứng vững và phát triển.

Bà Bùi Thị Thanh Thúy: Khó khăn của Prudential là nhân viên của chúng tôi thường trở thành mục tiêu của các Cty đối thủ. Điểm đó trở thành những thách thức về mặt con người. Điểm thứ hai là ở trong Cty lớn có những quy trình, và chúng ta phải đảm bảo đc quyết định của cta phải nhanh, đáp ứng đc nhu cầu của khách hàng. Đội ngũ lãnh đạo phải rất năng động, họ phải được trao đủ quyền để ra quyết định nhanh. Đó là thách thức lớn của Prudential.


Ông Trương Quốc Anh Vũ - Giám đốc cấp cao bộ phận quản lý nguồn nhân lực, HSBC VN
Ông Lê Hồng Phúc: Khó khăn lớn nhất của Samsung cũng xoay quanh vấn đề văn hóa. Với văn hóa thay đổi như vậy thì cũng sẽ có những cá nhân không thể đáp ứng kịp với tốc độ thay đổi đó. Như vậy nỗ lực của toàn Cty, của ban lãnh đạo, của phòng nhân sự là làm thế nào để giúp đỡ nhân viên hòa nhập, điều chỉnh bản thân họ phù hợp với Cty. Cụ thể nhất là trong vấn đề truyền thông, nếu truyền thông không đầy đủ, không hiệu quả thì sẽ có không có kết quả mong muốn.

Ông Vũ Minh Trí: Chúng tôi có nhiều  thử thách khác nhau cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt là bí quyết làm thế nào để các "ngôi sao" có thể làm việc chung với nhau và tôi nghĩ tất cả mọi người trong Microsoft bây giờ nếu hỏi "đóng góp của anh là gì vào Microsoft?" thì câu trả lời sẽ rất rõ ràng: sự tự hào.

- Kinh nghiệm để thương hiệu nhà tuyển dụng thành công

Bà Bùi Thị Thanh Thúy:  Lời khuyên duy nhất của tôi là cứ tiếp tục tập trung vào con người. Hãy tiếp tục lắng nghe và quan tâm tới nhân viên, lắng nghe những yêu cầu của họ để có thể đưa ra những chính sách phù hợp.

Bà Nguyễn Tâm Trang: Thương hiệu cũng chỉ là danh hiệu, quan trọng là mình phải quan tâm tới những người làm việc với mình, song hành với mình hàng ngày, thay vì phải làm những chiến lược chỉ để quảng bá ở bên ngoài.

Ông Lê Hồng Phúc: Làm thế nào để chạm được trái tim của nhân viên, đó là điều phải đặt lên trên hết trong chương trình hành động. Phải làm sao để khi nhân viên chuyển đi nơi khác, họ vẫn nghĩ đây là nơi làm việc tốt nhất – dù không đơn giản.

Ông Trương Quốc Anh Vũ: Không có gì tốt bằng làm tốt những việc trong nội bộ và theo cách truyền miệng thì nó sẽ tự "thẩm thấu" ra ngoài. 

Ông Vũ Minh Trí: Đối với Microsoft, việc xây dựng THNTD là đối với từng người để cuối cùng cái được tạo ra là môi trường.

- Xin cảm ơn các ông, bà!

Thương hiệu nhà tuyển dụng là một thành phần quan trọng của thương hiệu DN, nó truyền đạt thông tin về văn hóa, mục tiêu và giá trị của DN để thu hút nhân tài về “đầu quân”.

Thanh Nguyễn thực hiện