Những câu không nên hỏi ngược nhà tuyển dụng

  • 19/09/2016
  • 10153
"Mọi ứng viên đều cảm thấy sốt ruột và mong đợi sự đánh giá từ phía nhà tuyển dụng với mình. Thế nhưng đừng nên đường đột yêu cầu nhà tuyển dụng phải trả lời bạn về điều này khi bạn chưa rời khỏi phòng phỏng vấn."




Công ty mình hoạt động trong lĩnh vực gì?

Hỏi câu này cũng có nghĩa bạn đã tự đặt dấu chấm hết cho cuộc phỏng vấn. Bởi thông thường trước khi phỏng vấn, bạn phải trang bị cho mình những kiến thức tối cần thiết như tên công ty, lĩnh vực hoạt động của công ty, công việc bạn ứng tuyển… Thậm chí bạn còn phải tìm hiểu về những thế mạnh và điểm yếu của công ty nơi bạn ứng tuyển.

Nếu hỏi nhà tuyển dụng câu này, họ sẽ đánh giá bạn là người thiếu thiện chí với công ty và cơ hội được tuyển của bạn gần như không có.

Tôi có thể về sớm hơn giờ quy định của công ty?

Tất cả các công ty khi hoạt động đều có những điều luật và quy định nghiêm ngặt về giờ đến công ty và giờ tan sở. Mọi nhân viên đều phải tuân theo quy định này kể cả vị trí cấp lãnh đạo. Trừ phi có những vị trí nằm trong danh sách ưu tiên hoặc làm nhiệm vụ đặc biệt mới không bị giám sát thời gian làm việc.

Nếu không nằm trong diện những “đối tượng” ấy, bạn đừng nên hỏi nhà tuyển dụng câu này nếu không muốn bị đánh giá là người muốn “ăn gian” thời gian làm việc.

Vì sao tôi nên chọn công việc này?

Câu hỏi này chỉ thích hợp cho nhà tuyển dụng phỏng vấn bạn, chứ không phải là câu mà bạn đặt ra cho nhà tuyển dụng.

Điều này thật dễ hiểu, bởi khi nộp đơn xin việc cho bất cứ công việc nào, bạn đều phải tham khảo thông tin cơ bản về công việc bạn sẽ ứng tuyển, chế độ lương, thưởng, đãi ngộ có xứng đáng với những gì bạn sẽ cống hiến cho công việc này hay không...

Hơn thế, bạn sẽ bị đánh giá là người “tự mãn” và có ý thách thức nhà tuyển dụng khi buộc họ phải trả lời câu hỏi này. Hãy nhớ rằng việc tạo nên ấn tượng không tốt đẹp với nhà tuyển dụng ngay trong lần phỏng vấn sẽ khiến những cơ hội tiếp theo của bạn bị “đóng lại”.

Kết quả phỏng vấn của tôi thế nào?

Mọi ứng viên đều cảm thấy sốt ruột và mong đợi sự đánh giá từ phía nhà tuyển dụng với mình. Thế nhưng đừng nên đường đột yêu cầu nhà tuyển dụng phải trả lời bạn về điều này khi bạn chưa rời khỏi phòng phỏng vấn.

Trên thực tế, để đưa ra quyết định tuyển ứng viên nào, nhà tuyển dụng cần có những đánh giá tổng quát, cân nhắc tỉ mỉ kể cả những chi tiết nhỏ để không bỏ lỡ ứng viên tiềm năng và không chọn lầm người.

Do đó, đừng hỏi họ câu này nếu bạn không muốn bị đánh giá là người nôn nóng và thiếu chuyên nghiệp.

Liệu tôi có được trọng dụng trong thời gian dài?

Câu hỏi này hoàn toàn không thích hợp để hỏi nhà tuyển dụng, vì câu trả lời phụ thuộc vào chính bạn. Bạn làm việc thế nào? Năng lực của bạn ra sao? Có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của công ty? Bạn cho công ty thấy giá trị thật sự của bạn bằng cách nào?...

Không chứng minh được năng lực của mình, bạn đừng mong được công ty tuyển dụng chứ đừng nói là trọng dụng.

Công ty mình “lách luật” ra sao?

Ngay cả khi bạn biết rõ công ty đang dùng một số "độc chiêu" để lách luật nhằm tăng lợi nhuận, nhưng chớ mà dại dột hỏi họ, vì không ai lại “vạch áo cho người xem lưng”. Thậm chí những nhân viên lâu năm của công ty cũng chưa chắc đã được biết.

Hỏi câu hỏi mang tính chất “riêng tư” này, bạn chắc chắn bị "điểm trừ" trong mắt nhà tuyển dụng.

Tôi được nghỉ trưa bao lâu?

Bạn không nhất thiết phải hỏi câu hỏi này vì tất cả đều có quy định và chắc chắn theo Luật lao động cũng như chính sách của công ty, các nhân viên đều phải có khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tái tạo năng lượng cho buổi làm việc tiếp theo.

Kiểu câu hỏi này chỉ khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người thích nghỉ ngơi, hay bê trễ công việc.

Tôi có phải làm ngoài giờ?

Khi đi làm, chắc chắn sẽ có lúc bạn phải làm ngoài giờ, thậm chí có thể phải làm thường xuyên. Bù lại, bạn sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng hạn, hoặc góp phần làm tăng lợi nhuận cho công ty và được nhận thù lao xứng đáng.

Một số nhà tuyển dụng sẽ xem câu hỏi này của bạn là bình thường, nhưng cũng có người đánh giá bạn là người sợ áp lực hoặc chỉ muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao để đảm bảo quyền lợi chứ không muốn cống hiến gì thêm.

Theo lookjob.vn