Thông tư 07/2015/TT-BLĐTBXH

Thông tư 07/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 196/2013/NĐ-CP quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm và Nghị định 52/2014/NĐ-CP quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

BỘ LAO ĐỘNG-TB&XH

Số:  07/2015/TT-BLĐTBXH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2015

 

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm và Nghị định số 52/2014/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm

-------------------------------------

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm (sau đây được viết tắt là Nghị định số 196/2013/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 52/2014/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm (sau đây được viết tắt là Nghị định số 52/2014/NĐ-CP);

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Việc làm,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm và Nghị định số 52/2014/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn những nội dung sau:

1. Hợp đồng dịch vụ việc làm, quản lý hoạt động dịch vụ việc làm và báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định tại Nghị định số 196/2013/NĐ-CP và Nghị định số 52/2014/NĐ-CP.

2. Quy chế hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Nghị định 196/2013/NĐ-CP.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 196/2013/NĐ-CP.

2. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2014/NĐ-CP.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 196/2013/NĐ-CP và Nghị định số 52/2014/NĐ-CP.

Điều 3. Hợp đồng dịch vụ việc làm

1. Trung tâm dịch vụ việc làm ký kết hợp đồng dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 196/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm ký kết hợp đồng dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 52/2014/NĐ-CP, hợp đồng dịch vụ việc làm phải đảm bảo các nội dung sau: tên, địa chỉ liên hệ của các bên, nội dung cụ thể của dịch vụ việc làm cung cấp (số lượng, chất lượng, thời gian, địa điểm, phương thức thực hiện,...); quyền và nghĩa vụ của các bên; giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán; giải quyết tranh chấp, và các nội dung khác (nếu có).

2. Đối với hợp đồng dịch vụ việc làm có thực hiện việc giới thiệu hoặc cung ứng lao động, ngoài việc đảm bảo các nội dung tại khoản 1 Điều này phải có quy định về trách nhiệm theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do Trung tâm dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm giới thiệu hoặc cung ứng theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định số 196/2013/NĐ-CP và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 52/2014/NĐ-CP.

          Điều 4. Quy chế hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm

          Quy chế hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 196/2013/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:

          1. Nội dung của Quy chế hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm gồm: vị trí, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm; cơ cấu tổ chức bộ máy; chức năng nhiệm vụ của các phòng ban; nguyên tắc hoạt động dịch vụ việc làm; thời giờ làm việc; quy trình thực hiện cung cấp các dịch vụ; trách nhiệm xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thị trường lao động; quy chế phối hợp công tác; thông tin liên lạc, lập biểu theo dõi các hoạt động dịch vụ việc làm của Trung tâm.

          2. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp Trung tâm dịch vụ việc làm ký ban hành Quy chế hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm.

          3. Quy chế hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm được niêm yết công khai tại trụ sở của Trung tâm dịch vụ việc làm.

  4. Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm tổ chức, thực hiện Quy chế hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm.

          Điều 5. Quản lý hoạt động dịch vụ việc làm

          1. Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đăng ký tư vấn, đăng ký tìm việc làm, đăng ký giới thiệu hoặc cung ứng lao động theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 5 Nghị định số 196/2013/NĐ-CP theo các mẫu số 01, 01a, 01b, 01c, 01d ban hành kèm theo Thông tư này.

  2. Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm giới thiệu hoặc cung ứng quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định số 196/2013/NĐ-CP và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 52/2014/NĐ-CP theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

          Điều 6. Báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động dịch vụ việc làm

          1. Trước ngày 15 tháng 6 và 15 tháng 12 hằng năm, Trung tâm dịch vụ việc làm báo cáo định kỳ 6 tháng và hằng năm về tình hình hoạt động dịch vụ việc làm theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây được viết tắt là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội).

          2. Trước ngày 15 tháng 6 và ngày 15 tháng 12 hằng năm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm báo cáo định kỳ 6 tháng và hằng năm về tình hình hoạt động dịch vụ việc làm, trong đó nêu rõ về tình hình hoạt động dịch vụ việc làm của từng chi nhánh (nếu có) theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

          Chi nhánh hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi chi nhánh đặt địa điểm hoạt động về tình hình hoạt động dịch vụ việc làm theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

  3. Trước ngày 20 tháng 6 và 20 tháng 12 hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo định kỳ 6 tháng và hằng năm về tình hình hoạt động dịch vụ việc làm của địa phương theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 04 năm 2015.

2. Thông tư số 20/2005/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 6 năm 2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm và Thông tư số 27/2008/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 11 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2005/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 6 năm 2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm và Nghị định số 71/2008/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP làm hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Văn Phòng Chính phủ;

- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;

- Sở LĐTBXH các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;

- Công báo;

- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);

- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;

- Website Bộ LĐTBXH;

- Bộ LĐTBXH: Bộ trưởng, các Thứ trưởng và các đơn vị có liên quan;

- Lưu: VT, Cục VL (30 bản).

KT.BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Thanh Hòa