Quy định về kỷ luật lao động và trợ cấp mất việc làm

  • 08/01/2017
  • 12311
Vi phạm nội quy lao động hôm trước, hôm sau đã bị xử lý kỷ luật sa thải có đúng? Cty đóng cửa, trợ cấp việc làm 1 tháng là đúng hay không? Đây là nội dung chính một số câu hỏi bạn đọc gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật (TVPL) của Báo Lao Động 0961360559 thời gian qua.
Nghỉ thai sản có được hưởng phụ cấp?
Bạn đọc số 01638737XXX gọi đến số điện thoại TVPL của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi nghỉ thai sản thì có được hưởng phụ cấp không? Tôi muốn đi làm sớm phải làm sao?
Văn phòng TVPL Báo Lao Động trả lời: Khoản tiền chế độ thai sản là do cơ quan BHXH chi trả căn cứ vào mức lương bạn đóng BHXH khi bạn đủ điều kiện quy định tại Điều 31 Luật BHXH a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con; c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d) NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản; e) Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.
Điểm a, Khoản 1, Điều 39 Luật BHXH 2014 quy định mức hưởng chế độ thai sản: Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp NLĐ đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.
Điều 157 BLLĐ 2012 quy định, thời gian lao động nữ được hưởng chế độ thai sản là 6 tháng, trường hợp trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của NLĐ và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.
Như vậy, việc bạn có được hưởng các phụ cấp khác hay không còn phụ thuộc vào nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể Cty nơi bạn làm việc. Muốn đi làm sớm, bạn cần nghỉ chế độ thai sản ít nhất 4 tháng, và cần có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không ảnh hưởng đến sức khỏe và được sự đồng ý của người sử dụng lao động (NSDLĐ).
Vi phạm hôm trước, hôm sau bị sa thải có đúng?
Bạn đọc số 01694678XXX từ TPHCM gọi đến số điện thoại TVPL của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Ngày 11.1.2017, tôi đi làm có quẹt thẻ giùm người bạn để chấm công. Điều này vi phạm nội quy Cty ở mức độ bị kỷ luật sa thải. Ngày 12.1.2017, bộ phận nhân sự họp xét kỷ luật và sau đó Cty ra quyết định sa thải tôi. Cty làm như vậy có đúng không?
Văn phòng TVPL Báo Lao Động trả lời: Nếu đúng như bạn trình bày thì việc Cty kỷ luật sa thải bạn có dấu hiệu trái pháp luật, bởi Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP (NĐ 05) quy định về trình tự xử lý kỷ luật lao động (KLLĐ) như sau: 1. NSDLĐ gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý KLLĐ cho BCH CĐCS hoặc BCH CĐ cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập CĐCS, NLĐ, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của NLĐ dưới 18 tuổi ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.
2. Cuộc họp xử lý KLLĐ được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự được thông báo theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp NSDLĐ đã 03 lần thông báo bằng văn bản, mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì NSDLĐ tiến hành cuộc họp xử lý KLLĐ, trừ trường hợp NLĐ đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật quy định tại Khoản 4 Điều 123 của BLLĐ. 3.
Cuộc họp xử lý KLLĐ phải được lập thành biên bản và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp quy định tại Khoản 1 Điều này và người lập biên bản. Trường hợp một trong các thành phần đã tham dự cuộc họp mà không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do. 4. Người giao kết HĐLĐ theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1, Điều 3 Nghị định này là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý KLLĐ đối với NLĐ. Người được ủy quyền giao kết HĐLĐ chỉ có thẩm quyền xử lý KLLĐ theo hình thức khiển trách.
Như vậy, ngày 11.1.2017 bạn vi phạm nội quy lao động mà ngày 12.1.2017 Cty đã họp xét KLLĐ bạn là không đúng với khoản 1, điều 30 NĐ 05. Ngoài ra, cũng theo khoản 1, điều 30 NĐ 05 thì thành phần họp xét KLLĐ phải là NSDLĐ, chứ bộ phận nhân sự không được họp xét kỷ luật.
Đi làm 14 ngày có phải đóng BHXH?
Bạn đọc số 01263155XXX gọi đến số điện thoại TVPL của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Có tháng tôi đi làm 14 ngày thì có phải đóng BHXH không? Nếu không đóng BHXH tháng đó thì có ảnh hưởng gì không?
Văn phòng TVPL Báo Lao Động trả lời: Mục a, khoản 4, Điều 14 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH quy định: Tiền lương ngày được trả cho một việc làm xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày. Khoản 4, Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau: NLĐ nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì NLĐ và NSDLĐ không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
Như vậy, trong tháng bạn đã làm việc được 14 ngày nên bạn phải đóng BHXH. Nếu bạn không đóng BHXH tháng đó thì sẽ ảnh hưởng khi đủ điều kiện nhận chế độ BHXH có tính đến tháng đóng BHXH liền kề.
Trợ cấp mất việc 1 tháng có đúng?
Bạn đọc số 01267876XXX từ Quận Bình Tân, TPHCM gọi đến số điện thoại TVPL của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi làm việc cho Cty được 7 tháng có tham gia BHXH, BHTN. Cty lấy lý do rút vốn nên cho toàn bộ CNLĐ nghỉ việc, chỉ trả trợ cấp mất việc 1 tháng lương có đúng không? Tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Văn phòng TVPL Báo Lao Động trả lời: Điều 44, BLLĐ 2012 quy định về nghĩa vụ của NSDLĐ trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế: Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều NLĐ, thì NSDLĐ có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại NLĐ để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp NSDLĐ không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho NLĐ thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
Điều 49 BLLĐ quy định: NSDLĐ trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia BHTN theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc.
Điều 49 Luật Việc làm quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) như sau: 1. NLĐ quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng BHTN được hưởng TCTN khi có đủ các điều kiện sau đây: Chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; 2. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b, Khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
Căn cứ vào các quy định trên, nếu bạn đã làm việc cho Cty từ đủ 12 tháng trở lên thì sẽ được trợ cấp mất việc làm ít nhất 2 tháng lương. Do bạn mới chỉ tham gia BHTN được 7 tháng nên không đủ điều kiện hưởng TCTN.
 
NAM DƯƠNG - BÁO LAO ĐỘNG