Nghiên cứu cân đối các Quỹ BHXH

  • 24/11/2016
  • 12341
Theo Luật BHXH (sửa đổi), Quỹ BHXH gồm các quỹ thành phần sau: Quỹ Ốm đau và thai sản (OĐTS); Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) và Quỹ Hưu trí và tử tuất (HT,TT). Bên cạnh đó, Luật Việc làm quy định về Quỹ BHTN. BHXH Việt Nam có nhiệm vụ tổ chức thu, chi chế độ BHTN; quản lý và sử dụng các quỹ BHXH bắt buộc, BHTN. BHXH Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về BHXH, của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ BHXH, BHTN
    Nhiều năm nay, nhìn từ góc độ tài chính, quá trình quản lý và sử dụng các quỹ nêu trên cho thấy rõ sự khác biệt về đặc trưng hoạt động của từng quỹ và được phân chia ra: Quỹ ngắn hạn bao gồm Quỹ Ốm đau và thai sản, Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ BHTN; còn Quỹ dài hạn là Quỹ Hưu trí và tử tuất.

     Vấn đề tài chính dài hạn của Quỹ Hưu trí và tử tuất luôn là nội dung trọng tâm trong hoạt động tài chính của các chính sách BHXH và là vấn đề quan tâm hàng đầu không phải chỉ ở Việt Nam, mà ngay ở các quốc gia đã có hệ thống BHXH phát triển hàng trăm năm nay. Thực tế hơn 20 năm qua cho thấy, phương thức tài chính của chế độ hưu trí của Việt Nam đã khắc họa một mô hình đặc thù riêng là: “Lập Quỹ BHXH, xác định trước cả mức đóng và mức hưởng nhưng có sự điều chỉnh cả mức đóng và mức hưởng cho phù hợp với tình trạng kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ nhằm góp phần ổn định kinh tế - xã hội và cân đối quỹ lâu dài”. Đây là mô hình được kết hợp giữa mô hình có mức đóng xác định trước (DC) với mô hình có mức hưởng xác định trước (DB) nhằm vừa đảm bảo khả năng đóng góp của người hiện đang tham gia BHXH, vừa bảo đảm mức lương hưu của người nghỉ hưu trong từng thời kỳ và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tích lũy, tiết kiệm lâu dài với tiêu dùng trước mắt. Mô hình này hoàn toàn khác biệt với mô hình tọa thu - tọa chi (Pay As You Go – PAYG). Theo phương thức này, nguồn đóng góp của người đang đi làm để chi trả cho người đã nghỉ hưu, chi đến đâu thì thu đến đó, không hình thành quỹ và mức hưởng được xác định trước. Và cũng theo phương thức tài chính này, tỷ lệ số người hiện đang làm việc và đóng góp BHXH với số người đang nghỉ hưu hưởng lương hưu rất quan trọng. Nếu số lượng người đang làm việc lớn, số lượng người hưởng lương hưu nhỏ thì tỷ lệ đóng góp BHXH của người đang làm việc sẽ thấp hơn. Tỷ lệ đóng góp sẽ cao nếu quan hệ tỷ lệ giữa số người đóng góp và số người hưởng lương hưu ngược lại. Ở các quốc gia thực hiện phương thức tọa thu - tọa chi thì “hợp đồng trách nhiệm giữa các thế hệ” là hết sức quan trọng.

   Phương thức tài chính của chế độ hưu trí, tử tuất - chế độ dài hạn ở nước ta hoàn toàn khác biệt với các mô hình tài chính điển hình của các quốc gia khác nhưng lại hoàn toàn phù hợp với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi và phát triển. Người lao động và chủ sử dụng lao động, trước hết phải có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ BHXH, phải chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình và thế hệ của mình, sau đó mới mong nhận được sự hỗ trợ của các thế hệ kế tiếp dựa trên sự đồng lòng phấn đấu cho sự tăng trưởng phát triển không ngừng của nền kinh tế xã hội. Điều đó được thể hiện rõ rệt nhất khi người nghỉ hưu nhận được phần tiền lương tăng thêm cao hơn phần tiền lương tăng do xử lý yếu tố lạm phát. Bên cạnh đó, nguồn Quỹ BHXH tồn tích được đầu tư tăng trưởng và nguồn quỹ này cũng là một kênh đầu tư tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần trực tiếp vào quá trình tái sản xuất mở rộng nền kinh tế. Theo kết quả tính toán dự báo quỹ hưu trí và tử tuất vào tháng 01/2016 cho thấy: Số thu và số chi cân đối vào năm 2030. Từ năm 2031, đã phải sử dụng một phần nguồn Quỹ HT, TT tồn tích để chi trả. Từ năm 2031 trở đi, khoản chi trả sẽ bao gồm số tiền đóng góp BHXH trong năm cộng với phần tiền tồn tích của Quỹ HT,TT và đến năm 2050, quỹ sẽ hết khả năng thanh toán. Như vậy là, việc cân đối dài hạn Quỹ HT,TT là hết sức cần thiết đối với hệ thống BHXH, nhất là trong giai đoạn đang điều chỉnh hợp lý quan hệ đóng – hưởng, tuổi nghỉ hưu và tuổi thọ của người Việt Nam hiện nay.

  Đồng thời đối với các quỹ ngắn hạn, cũng từ nghiên cứu, dự báo trên cho thấy:

  - Quỹ OĐTS sẽ mất cân bằng thu – chi vào năm 2016. Cũng từ năm 2016, phải sử dụng một phần nguồn tiền tồn tích của Quỹ OĐTS để chi trả chế độ và nguồn quỹ sẽ mất khả năng thanh toán vào năm 2022 (lưu ý rằng dữ liệu tính toán dự báo được thực hiện vào đầu năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH (sửa đổi)).

  - Quỹ TNLĐ, BNN sẽ đảm bảo cân đối lâu dài, dự báo đến năm 2060, vẫn cân đối thu – chi trong năm, còn số dư lớn và đã đề xuất giảm mức đóng cho quỹ này bằng 0,5% và chuyển 0,5% mức đóng vào quỹ và quỹ vẫn đảm bảo cân đối đến năm 2060 (trong đó chưa tính đến chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc, hỗ trợ chi phí phục hồi chức năng cho người bị TNLĐ-BNN theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động).

  - Quỹ BHTN, nếu không có biến động lớn về kinh tế vĩ mô, nhất là tác động của các chu kỳ kinh tế quốc tế và trong nước đến thị trường lao động và tình trạng việc làm, sẽ bảo đảm cân đối lâu dài (với tỷ lệ đóng quy định mới là 2%) và chưa cần đến sự hỗ trợ đóng góp của Nhà nước. Cũng cần hiểu thêm rằng, trên thị trường lao động Việt Nam, người lao động có việc làm và việc làm có quan hệ BHXH (nghĩa là người lao động đã được tham gia BHXH) thì việc làm đó mang tích chất ổn định và thường xuyên hơn. Hơn nữa, đối tượng tham gia BHTN là người lao động khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. Việc làm của nhóm đối tượng đủ điều kiện để tham gia BHTN thường ổn định hơn các nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc khác.

   Như vậy với mức đóng hiện nay thì khả năng cân đối các quỹ ngắn hạn là khả thi và thời gian cân đối dự báo ngắn nhất như Quỹ OĐTS cũng là khoảng 06 năm.

   Các quyền lợi trong BHYT bằng hiện vật nghĩa là người bệnh nhận được các dịch vụ khám bệnh, chăm sóc sức khỏe của y, bác sĩ, thuốc, vật tư y tế tiêu hao... chứ không phải bằng tiền mặt. Số lượng, loại hình các dịch vụ, thuốc và vật tư y tế tiêu hao phụ thuộc vào tình trạng bệnh tật của từng người và do bác sĩ quyết định. Hơn nữa các dịch vụ y tế, thuốc và vật tư y tế tiêu hao còn phụ thuộc vào yếu tố giá. Vì vậy, việc tính toán, dự báo cân đối Quỹ BHYT ngắn hạn luôn khó khăn, phức tạp, nhất là trong điều kiện giá cả dịch vụ y tế đang thay đổi, giá cả đấu thầu thuốc hiện nay không đồng nhất tại các địa phương. Trong khi đó, các quyền lợi của chế độ BHXH, ngoại trừ chế độ hưu trí và tử tuất còn chịu nhiều tác động của yếu tố lạm phát và quan hệ đóng – hưởng dài hạn còn các chế độ BHXH ngắn hạn, quyền lợi bằng tiền sẽ giúp cho công tác tính toán, dự báo cân đối quỹ thuận lợi hơn.

   Tới đây, vấn đề đặt ra là cần thiết phải cân đối thời gian dài cho các quỹ ngắn hạn này hay không và thời gian cân đối là bao nhiêu năm cho phù hợp? Phân tích dưới góc độ kinh tế, nếu quỹ được cân đối với thời gian dài sẽ tăng cường sự bền vững về tài chính và cũng là cơ sở để mở rộng và nâng cao quyền lợi. Nhưng ở giai đoạn trước mắt, với mức đóng hiện nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể là làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, giảm lợi nhuận và thậm chí có thể hạn chế sức cạnh tranh. Vì vậy, cần cân nhắc thời gian kéo dài cân đối các quỹ ngắn hạn cho phù hợp để có cơ sở khoa học giảm tỷ lệ đóng mà vẫn đảm bảo việc cân đối quỹ bền vững. Ở các quốc gia công nghiệp phát triển, các quỹ BHXH ngắn hạn thường được cân đối hàng năm, được tính toán một khoản dự phòng kéo dài thêm từ 03 tháng đến 06 tháng và do vậy, mỗi năm phải tính toán, điều chỉnh tỷ lệ đóng một lần (tọa thu - tọa chi); tỷ lệ đóng góp cũng được điều chỉnh từ từ hàng năm. Ví dụ ở CHLB Đức, tỷ lệ đóng góp BHTN năm 2007 là 4,2%; năm 2008 là 3,3%; năm 2009 - 2010 là 2,80% và từ năm 2011 - 2016 luôn giữ nguyên là 3%. Tỷ lệ đóng góp của bảo hiểm ốm đau cũng được thay đổi hàng năm (chế độ bảo hiểm ốm đau ở CHLB Đức bao gồm các quyền lợi tiền chi trả cho những ngày không làm việc do ốm đau, tiền chi trả cho khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú, tiền chi trả cho khám bệnh dự phòng, khám phát hiện sớm bệnh…), cụ thể từ ngày 01/01 đến 30/06/2009 là 14,6%; từ ngày 01/07/2009 đến 31/12/2009 là 14%; năm 2010, cũng là 14% và từ năm 2011 - 2016 giữ nguyên tỷ lệ đóng là 14,6%. Ở nước ta, theo quan sát về xu thế phát triển kinh tế, thời gian cân đối các quỹ ngắn hạn có thể kéo dài cho từng giai đoạn từ 03 đến 05 năm nhưng trước hết có thể cân đối cho 05 năm, sau đó sẽ giảm xuống 03 năm, đến thời điểm hợp lý sẽ cân đối hàng năm và có khoản dự phòng cho 06 tháng kế tiếp. Đồng thời, việc cân đối ngắn hạn sẽ cho kết quả dự báo chuẩn xác hơn.

   Tuy nhiên, nhìn từ góc độ xã hội, ở quốc gia nào cũng vậy, việc giảm đóng góp hoặc tăng quyền lợi hưởng nhận được sự đồng thuận chung của xã hội. Ngược lại, việc tăng đóng góp hoặc hạn chế hoặc thu hẹp quyền lợi hưởng sẽ luôn gặp phải những rào cản lớn, thậm chí là phản ứng quyết liệt. Hơn nữa, việc tăng hoặc giảm mức đóng, cũng như việc mở rộng, nâng cao quyền lợi hoặc thu hẹp, hạn chế quyền lợi cần phải được xử lý từ từ, từng bước và có lộ trình nhất định. Bởi lẽ BHXH là chính sách xã hội, mục đích đặt ra nhằm ổn định xã hội, nếu không tạo được sự đồng thuận sẽ phản tác dụng, gây bất ổn cho xã hội. Ở Việt Nam, khi nhận thức về chính sách, pháp luật, tính tuân thủ pháp luật BHXH của chủ sử dụng lao động - người lao động chưa được thông suốt, nghiêm minh thì việc thay đổi phương thức tài chính hoặc cân đối ngắn hạn với các quỹ BHXH này cần được xem xét kỹ. Ví dụ, khi BHXH đã trở thành nhu cầu tất yếu, mang tính phổ biến của cả chủ sử dụng và người lao động; tính tuân thủ pháp luật được nghiêm minh, từ khâu đóng góp đến khâu hưởng quyền lợi, tức là đã loại bỏ hết các yếu tố chủ quan do con người tạo ra, thì khi đó việc tính toán cân đối quỹ, thời hạn cần cân đối, mức đóng góp và điều chỉnh tỷ lệ đóng hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố khách quan, bởi rủi ro về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tình trạng thất nghiệp trong từng giai đoạn kinh tế   - xã hội gây ra. Đương nhiên, cùng với thực hiện cân đối ngắn hạn, phải bảo đảm tốt khâu kỹ thuật dự báo và nguồn số liệu phải chuẩn xác, kịp thời; đồng thời, nhận được tâm lý đồng thuận của toàn xã hội. Khi đó, việc thực hiện điều chỉnh tỷ lệ đóng mới thực sự mang tính chất tự nhiên, hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ rủi ro xảy ra hàng năm do đặc tính của từng chế độ BHXH riêng biệt quy định./.


TS.Phạm Đình Thành Viện Khoa học BHXH, BHXH Việt Nam