Làm gì khi đột nhiên bị chấm dứt hợp đồng lao động?

  • 15/11/2016
  • 11659
Nhiều trường hợp người lao động (NLĐ) gửi đơn thư đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động kêu cứu về việc đột nhiên bị người sử dụng lao động (NSDLĐ) cho thôi việc, khi hợp đồng lao động (HĐLĐ) chưa hết hạn và cũng chưa từng có vi phạm gì kỷ luật lao động. Vậy làm gì để tự bảo vệ mình khi rơi vào trường hợp này ?

Trường hợp nói trên có nghĩa doanh nghiệp đã vi phạm tinh thần Bộ luật Lao động Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ), quy định tại Điều 38, về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động (NSDLĐ). Trong trường hợp này, NLĐ được coi bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, vì vậy có thể khởi kiện ra toà án nhân dân nơi doanh nghiệp đóng trụ sở mà không phải bắt buộc qua thủ tục hòa giải của hoà giải viên lao động theo quy định tại điều 200, 201 BLLĐ.

Tuy vậy trước khi xem xét việc “đáo tụng đình”, NLĐ nên nhờ sự can thiệp của tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi của mình. Tổ chức công đoàn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thương thảo, đối thoại, hợp tác với NSDLĐ hỗ trợ giải quyết vấn đề theo quy định tại Điều 188 BLLĐ. Trong trường hợp xấu nhất, NLĐ sẽ làm đơn khởi kiện NSDLĐ ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp hoạt động để tòa án bảo vệ quyền lợi. Căn cứ Điều 42, Bộ luật Lao động 2012 quy định về nghĩa vụ của NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, NSDLĐ phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày NLĐ không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ. Trong trường hợp NLĐ không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 điều này (Điều 42), NSDLĐ phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của BLLĐ. Mức trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương; Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc.

Trong trường hợp NSDLĐ không muốn nhận lại NLĐ và NLĐ đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của BLLĐ, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ để chấm dứt HĐLĐ. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong HĐLĐ mà NLĐ vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định trên, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ. Riêng trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho NLĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước.

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến 51 Hàng Bồ, Hà Nội và 39 Trương Định, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp.

TRUNG HIẾU (VPTVPL BÁO LAO ĐỘNG)